1. Giới thiệuHuyện Lâm Hà có ranh giới phía Bắc giáp huyện Đam Rông, phía Đông giáp thành phố Đà Lạt, phía Đông Nam giáp huyện Đức Trọng, phía Tây giáp huyện Di Linh, đều là các huyện thị của tỉnh Lâm Đồng. Toàn bộ ranh giới với huyện Di Linh là sông Da Dâng (tức sông Đồng Nai), chảy theo hướng Đông Nam-Tây Bắc. Tuy là một huyện mới nhưng cư dân bản địa có quá trình hình thành và phát triển lâu đời. Phần lớn đất đai của huyện Lâm Hà được tách ra từ huyện Đức Trọng, sáp nhập thêm 3 xã thuộc vùng tây bắc của huyện Lạc Dương. Vì vậy, tuy trung tâm huyện lỵ chỉ cách thành phố Đà Lạt 50km, nhưng huyện Lâm Hà có đến 1/2 diện tích thuộc vùng sâu, vùng xa, có nhiều khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Sự ra đời của huyện Lâm Hà gắn liền với kết quả của sự nghiệp xây dựng các vùng kinh tế mới Hà Nội trên đất Lâm Đồng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa của đồng bào dân tộc.
2. Vị trí địa lý Diện tích tự nhiên Lâm Hà là 97.852,49 ha (978,52 km²).
Huyện Lâm Hà phía tây và bắc giáp tỉnh Đắc Lắc; đông giáp huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng; tây giáp huyện Di Linh.
Địa hình huyện Lâm Hà có dạng cao nguyên mấp mô, gợn sóng, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, hồ đầm. Độ cao trung bình 1.000m so với mặt biển, cao nhất là dãy Hòn Nga có 4 ngọn cao trên 1.900m, trong đó đỉnh Hòn Nga cao 1.998m. Từ dãy Hòn Nga, địa hình thấp dần về 2 phía đông nam và tây bắc, thấp nhất là thôn Phi Có (xã Rô Men) có độ cao 497m.
Dân số 133.679 nhân khẩu, vào thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lâm Đồng tháng 11 năm 2004, gồm các dân tộc thiểu số như: Kơ Ho, Cill, Mạ, Tày, Nùng, và phần lớn người Kinh là dân gốc Hà Nội và Hà Tây vào xây dựng vùng kinh tế mới sau khi thống nhất đất nước.
Nguồn nước tự nhiên rất phong phú do nhiều sông suối và trên 1.000ha hồ, đầm quanh năm có nước.
Sông Đa Dâng và sông Đa Nhim là 2 nhánh đầu nguồn của sông Đồng Nai đều chảy qua địa phận Lâm Hà. Các dòng suối Cam Ly, Đa Mê, Đa Sê Đăng, Đạ KNàng đều theo hướng bắc nam đổ vào sông Đa Dâng ở phía nam của huyện. Phía tây có sông Đạ Ra Măng, phía bắc có sông Krông Knô là ranh giới tự nhiên giữa Lâm Hà với huyện Dak Nông và huyện Lak của tỉnh Đắc Lắc. Cả hai sông này đều chảy sang Căm-pu-chia và đổ vào sông Mê Công. Lâm Hà có một số hồ và đầm như: hồ Ka Ni, Đạ Sa, Đạ Tông, Ri Hin, Bãi Công; các đầm Voi, đầm Đĩa,...
Nguồn nước dồi dào, địa hình dốc và có nhiều vùng bị chia cắt mạnh tạo cho huyện Lâm Hà có nhiều tiềm năng phát triển thuỷ điện. Nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ là những cảnh quan du lịch rất hấp dẫn như: thác Voi ở Nam Ban, thác Liên Chi Nha ở Tân Thanh, thác Nếp ở Phúc Thọ, thác Bảy Tầng ở Phi Liêng v.v…
Đập thuỷ nông Đạ Đờng bảo đảm nước tưới cho 1.800ha lúa 2 vụ và hàng ngàn hecta vườn cây công nghiệp khác. Đập Cam Ly Thượng có thể bảo đảm nước tưới cho vùng cây công nghiệp của thị trấn Nam Ban và 3 xã trong khu vực này. Hệ thống mặt nước được phân bố đều khắp bảo đảm giữ ẩm, tăng mạch nước ngầm, điều hòa hệ sinh thái, giúp cho rừng và tập đoàn cây trồng khá phong phú của huyện Lâm Hà phát triển thuận lợi.
Nhiều diện tích ao hồ nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao.
3. Lịch sửNgày 28 tháng 10 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng (tức là chính phủ) nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định thành lập huyện mới Lâm Hà, trên cơ sở sát nhập vùng kinh tế mới của Hà Nội ở Nam Ban, Lán Tranh thuộc huyện Đức Trọng với 5 xã khác của huyện Đức Trọng. Trước đó, từ năm 1976, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức cho cán bộ và nhân dân ở các huyện ngoại thành Hà Nội và một số huyện của tỉnh Hà Tây ngày nay, vào xây dựng vùng kinh tế mới ở Nam Ban và Lán Tranh.
Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới tỉnh Lâm Đồng của chính phủ, như lần điều chỉnh tháng 12 năm 2001: thành lập xã Nam Hà thuộc huyện Lâm Hà trên cơ sở tách từ thị trấn Nam Ban, và lần gần đây nhất là tháng 11 năm 2004: tách huyện mới Đam Rông từ huyện Lâm Hà và huyện Lạc Dương, Lâm Hà trở nên có vị trí địa lý và địa giới hành chính như hiện nay. Các tên Lâm Hà là ghép lại từ hai cái tên Lâm Đồng và Hà Nội, mà những người dân mới vào khai phá đất mới đặt cho nó để gắn kết hai vùng quê hương mới và cũ của họ.
4. Các xã trong huyệnHuyện Lâm Hà có 16 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Tân Văn, Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Hà, Liên Hà, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng, Tân Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh và hai thị trấn: Đinh Văn, Nam Ban.
Rừng của huyện Lâm Hà chiếm 57,34% diện tích tự nhiên với 90.977,21ha. Độ che phủ của rừng còn lớn, trữ lượng gỗ đạt 7 triệu mét khối và 85 triệu cây tre nứa. Ngoài các loại gỗ thông dụng còn có nhiều loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, trắc, gõ, sao, xá xị. Đặc biệt trong rừng còn có nhiều loại dược liệu tự nhiên và có khả năng trồng với diện tích lớn như: sâm Bố Chính, sâm cau, sâm chân rết, tam thất, sa nhân, đỗ trọng, canh ki na, quế v.v… Những điều kiện thuận lợi này cho phép thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về lâm nghiệp, thực hiện khoanh nuôi, tu bổ, cải tạo và trồng rừng đạt hiệu quả. Từ năm 1991, bình quân mỗi năm, huyện Lâm Hà trồng thêm được 400ha rừng trên những khu vực đất trống, đồi trọc, đã thực hiện giao được 19.000ha (chiếm 25% diện tích rừng hiện có) cho đồng bào các dân tộc tại chỗ quản lý, chăm sóc, bảo vệ.
Từ những ngày đầu thành lập đến nay, kinh tế huyện Lâm Hà liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, xu thế ngày càng ổn định và vững chắc. Tuy mức tăng trưởng cao, nhưng dân số cũng tăng nhanh. Đến năm 1999 đã lên tới 124.540 người, gấp 2 lần so với khi thành lập huyện.
Là vùng đất mới khai hoang, tầng dầy canh tác lớn, độ phì cao, điều kiện khí hậu thuận lợi, sản xuất nông nghiệp thực sự là thế mạnh, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện. Hướng vào việc khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu, giải phóng sức sản xuất, huy động mọi nguồn vốn, phát triển kinh tế nhiều thành phần, sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển toàn diện cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Diện tích canh tác năm 1987 mới đạt 10.050ha, đến năm 1997 đã lên 27.700ha, tăng gấp 2,39 lần. Tổng sản lượng lương thực qui thóc đạt 37.170 tấn, tăng 2,38 lần so với năm 1987, bình quân lương thực đạt 340 kg/người/năm, đạt mức cao so với các huyện ở vùng núi.
Lâm Hà có một số đặc sản nổi tiếng như: gạo thơm Tân Văn, nếp Tân Hà, chè Lán Tranh, chuối La Ba, cà phê Phú Sơn, rượu Cát Quế v.v…
Cây công nghiệp dài ngày phát triển nhanh, đã hình thành các vùng chuyên canh với sản lượng hàng hoá ngày càng lớn, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Diện tích cây công nghiệp năm 1987 mới có 2.240ha, đến năm 1999 đã lên 24.778ha, chủ yếu là cà phê, dâu tằm và chè.
Thực hiện đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái, toàn huyện đã trồng được trên 600ha quế và 150ha cây ăn quả có giá trị cao như nhãn lồng, vải thiều, sầu riêng, hàng chục hecta dược liệu theo mô hình nông lâm kết hợp.
Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động chủ yếu là: sản xuất vật liệu xây dựng, mộc gia dụng, sửa chữa cơ khí, xay xát chế biến nông sản,… Sản xuất đã tăng về quy mô và tốc độ. Năm 1991, toàn huyện có 170 cơ sở với 483 lao động; đến năm 1997 có 520 cơ sở sản xuất với 1.268 lao động.
6. Cơ sở hạ tầng
Về xây dựng cơ bản, với sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, đã đầu tư trên 40 tỷ đồng cho các công trình hạ thế điện, giao thông, thuỷ lợi, xây dựng trường học, bệnh viện, trạm xá, trụ sở làm việc,… Bộ mặt của thị trấn và các vùng nông thôn đã có sự thay đổi nhanh chóng.
Hệ thống lưới điện quốc gia đã về đến 7/17 xã, thị trấn trong huyện. Ngoài ra còn có 1.200 hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa lắp đặt được máy thuỷ điện nhỏ phục vụ thắp sáng và xay xát.
Sự phát triển và đi lên nhanh chóng của huyện Lâm Hà là kết quả của việc thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng các vùng kinh tế mới kết hợp với cuộc vận động định canh định cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc.
Huyện Lâm Hà có trục đường chiến lược chính là quốc lộ 27 nối với quốc lộ 20 ở ngã ba Liên Khương, chạy đến thành phố Buôn Ma Thuột, đoạn qua địa phận Lâm Hà dài 77 km. Đây là tuyến đường quan trọng nối với các xã vùng sâu, vùng xa ở phía bắc, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng này.
Tỉnh lộ 725 nối Lâm Hà với thành phố Đà Lạt có 29km đi qua địa phận Lâm Hà, được chia làm 2 đoạn: nối với quốc lộ 27 ở NThôn Hạ đi Tà Nung và nối với quốc lộ 27 ở Đinh Văn đi Tân Hà. Đây là tuyến đường nối liền trung tâm huyện với 2 vùng kinh tế quan trọng của huyện là Nam Ban và Lán Tranh.
Toàn huyện đã xây dựng được mạng lưới giao thông với tổng chiều dài 778km bảo đảm ô tô chạy đến được tất cả các xã.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét